(Người bình thường cũng nên xem để dự kiến tương lai cho bản thân – ND)
Bóng bóng giá tài sản là một giai đoạn kinh tế bong bóng Nhật từ 1986 đến 1991. Trong thời kỳ đó, giá bất động sản và giá chứng khoán tăng lên rất cao. Sự đổ vỡ của giai đoạn bong bóng đó kéo dài hơn một thập kỷ đến tận năm 2003 giá chứng khoán mới bắt đầu chạm đáy, mặc dù sau đó còn xuống nữa do cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008.
Trong những thập kỷ sau Đại chiến thế giới II, Nhật thi hành một hệ thống thuế nghiêm ngặt và các chính sách khuyến khích người dân tiết kiệm. Các ngân hàng có nhiều tiền gửi nên cho vay dễ dàng. Nhật đạt được thặng dư thương mại lớn nên đồng yên Nhật lên giá so với các đồng tiền khác. Những diều đó cho phép các công ty Nhật đầu tư dễ hơn các công ty cạnh tranh ở nước ngoài nhiều, do đó giá hàng sản xuất tại Nhật hạ, thặng dư thương mại lại càng tăng lên. Và khi đồng yên tăng giá, các tài sản tài chính trở nên rất có lợi.
Nhiều tiền sẵn sàng cho đầu tư, tài chính không bị điều tiết, sự tin tưởng và hưng phấn quá mức vào triển vọng kinh tế, sự lưu thông tiền tệ dễ dàng đã dẫn đến những hoạt động đầu cơ hung hăng, đặc biệt tại thị trường chứng khoán Tokyo và thị trường bất động sản. Chỉ số chứng khoán Nikkei đạt tới kỷ lục chưa từng có vào ngày 27/11/1989: chỉ số cao nhất trong ngày là 38,957.44 và trước khi đóng cửa 38,915.87 (Hai mươi năm sau, ngày 10/3/2009, chỉ số Nikkei đạt tới điểm thấp nhất trong 27 năm là7054.98). Thêm vào đó, các ngân hàng cũng tăng cường cho vay các khoản vay rủi ro.
Giá nhà cao nhất tại quận Ginza, Tokyo năm 1989 là trên 30 triệu Yên (khoảng 215.000 USD) một mét vuông. Tại các quận kinh doanh lớn khác của Tokyo giá cũng chỉ thấp hơn chút ít. Mười lăm năm sau, năm 2004, giá bất động sản loại A ở các quận tài chính của Tokyo giảm xuống dưới 1% giá thời kỳ đỉnh cao nhất và giá nhà ở giảm xuống dưới 10% giá thời cao nhất nhưng vẫn là giá đắt nhất thế giới cho đến cuối những năm 2000 mới bị giá nhà tại Moskva và các thành phố khác vượt lên. Hàng chục nghìn tỷ đô la đã tan thành mây khói khi thị trường chứng khoán Tokyo và thị trường bất động sản sụp đổ. Chỉ đến năm 2007, giá nhà mới bắt đầu nhích lên nhưng rồi lại xuống vào cuối năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.
(Qua những thông tin trên, điều đáng sợ nhất là quá trình sụp đổ kéo rất dài tới 15 năm chưa có dấu hiệu hồi phục – ND)
Với nền kinh tế chủ đạo bởi tỷ lệ tái đầu tư cao, sự sụp đổ đó giáng những đòn thật nặng nề. Đầu tư hướng ra nước ngoài ngày càng tăng, các hãng chế tạo mất ưu thế dẫn đầu về công nghệ, sản phẩm Nhật trở nên ít cạnh tranh hơn ở nước ngoài.
Cấp tín dụng dễ dãi góp phần tạo nên và làm phình to bong bóng bất động sản tiếp tục vẫn là vấn đề cho nhiều năm sau. Cho đến năm 1997, các ngân hàng vẫn còn cho vay những khoản vay có khả năng thu hồi vốn thấp. Các nhân viên đầu tư và tín dụng rất khó khăn tìm ra bất cứ cái gì để đầu tư thu lợi nhuận. Đôi khi họ mang tiền dành để đầu tư sang gửi ở ngân hàng cạnh tranh như một khoản tiền gửi bình thường. Việc sửa vấn đề tín dụng lại càng trở nên khó khăn hơn khi chính phủ bắt đầu chia nhỏ các ngân hàng và doanh nghiệp phá sản ra thành nhiều những công ty “dở sống, dở chết – zombie businesses”. (cái kiểu này nghe quen quen – ND).
0 Comments