Something about me

header ads

Việt Nam đầu tư bằng nguồn lực nào?


Một bài rất hay của chuyên gia Bùi Trinh

Tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của đầu tư, tuy nhiên, tỷ lệ để dành (saving), so với đầu tư, đang ngày càng nhỏ dần. Việt Nam sẽ dùng nguồn lực nào để đầu tư?


Trong Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA) không chỉ có GDP, mà còn có chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) và chỉ tiêu để dành, đây là nguồn cơ bản để quay lại đầu tư. Theo SNA, để dành là phần còn dư ra của thu nhập khả dụng (National Disposable Income - NDI) sau khi đã được sử dụng cho mục đích tiêu dùng cuối cùng.


Về nguyên tắc, nguồn cơ bản để quay lại đầu tư là từ để dành. Mỗi một gia đình hay quốc gia đều phải biết số tiền để dành của mình là bao nhiêu, để dùng cho việc gì (để đầu tư hay cho vay hoặc phải đi vay).

Một quốc gia mà trong nhiều năm liền tỷ lệ giữa để dành so với đầu tư ngày càng nhỏ dần thì cần xem xét lại chính sách vĩ mô. Khi đầu tư luôn vượt quá nguồn lực (để dành) mà về cơ bản, Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng (dựa vào đầu tư), như vậy, để duy trì tăng trưởng cao thì phải đi vay nước ngoài.

Với tỷ lệ để dành ngày càng nhỏ, Việt Nam sẽ phải đi vay nếu tăng trưởng vẫn tiếp tục dựa vào đầu tư. Điều này dường như là một nghịch lý đối với lý thuyết tăng trưởng ngắn hạn của Keynes - Khi phân tích tăng trưởng, lý thuyết của Keynes và mô hình Solow thường được đưa ra.

Lý thuyết của Keynes phân tích và lý giải nền kinh tế trong thời gian ngắn, dường như không quan tâm đến tương lai xa. Ngoài ra, các nhân tử kiểu Keynes (Keynes-Leontief) đôi khi cũng chứa đựng những rủi ro.

Chẳng hạn, khi nghiên cứu về liên vùng, có những trường hợp (vùng) chi đầu tư của Nhà nước không làm tăng tổng cầu một cách tương xứng, lúc này nhân tử Keynes nhỏ hơn 1, có nghĩa là khi tăng một đồng đầu tư sẽ không thu lại được một đồng ở phía cung.

Phân tích tăng trưởng dài hạn, hầu hết các nước sử dụng mô hình tăng trưởng Solow. Mô hình này được xây dựng dựa trên hàm sản xuất (sự phụ thuộc của sản lượng với các yếu tố đầu vào).

Theo đó, tăng trưởng được tạo nên từ sự đóng góp của lao động, vốn và phần dư ra. Phần dư ra này được xem như năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Nó không chỉ bao gồm sự thay đổi về quy trình công nghệ, mà còn bao gồm các yếu tố khác, như: phương thức quản lý, kết quả của chính sách và cả các sai số do số liệu đầu vào. Nếu số liệu đầu vào không tốt sẽ dẫn đến những kết quả không thể lý giải nổi.

Nghiên cứu của giáo sư James Riedel chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, mô hình Solow không thể đưa ra một bức tranh về nguồn gốc tăng trưởng do cách “đặt vấn đề” của nó. Mô hình này cho rằng, tăng trưởng dựa vào sự đóng góp của các yếu tố vốn, lao động và TFP một cách riêng lẻ.

Trong khi, một điều dễ nhận thấy là vai trò của thay đổi công nghệ rất khó tách bạch với vai trò của đầu tư. Ông James cũng chỉ rõ, điều này không đúng với trường hợp Trung Quốc, nếu áp dụng quan hệ Solow bình thường người ta không thấy sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (hoặc rất nhỏ) vào trong tăng trưởng và dường như phủ nhận những gì diễn ra thực sự của đất nước này.

Giáo sư Nguyễn Quang Thái và các cộng sự từng thử tính toán TFP cho ba khu vực kinh tế là Nhà nước, ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Kết quả cho thấy, đóng góp của TFP vào tăng trưởng của khu vực sở hữu nhà nước là lớn nhất (19% so với 17,5% của khu vực ngoài quốc doanh và âm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Chính nhóm nghiên cứu cũng nghi ngờ điều này khi đối chiếu với những gì quan sát được trong thực tế.

Thời gian qua, nhiều nghiên cứu và số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của đầu tư. Trải thảm đỏ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam kỳ vọng ba điều: luồng tiền vào và lao động, công nghệ.

Nhưng đến nay, hầu hết là công nghệ lạc hậu; về lao động, năm nhiều nhất chỉ đạt 3,6%. Năm 2006, tỷ lệ để dành so với vốn đầu tư thực hiện trong năm là 87,35%, thì đến năm 2009 tỷ lệ này mất đi gần 20 điểm phần trăm, chỉ còn 67,85%, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư chiếm trong GDP luôn ở mức trên 40%, (xem biểu đồ). Tỷ lệ tiết kiệm nhỏ đi, chứng tỏ luồng tiền FDI vào còn nhỏ hơn cả luồng tiền ra.

Việc tăng trưởng dựa vào vốn (đầu tư), trên thực tế không có gì là không tốt, nhưng vấn đề ở chỗ, nguồn lực để đầu tư khi tổng để dành của nước ta ngày càng nhỏ đi. Việt Nam lấy nguồn lực ở đâu để đầu tư? Đây là điều rất không tốt cho tương lai (dài hạn).

Cũng cần lưu ý rằng, để dành ở đây đã bao gồm cả lượng kiều hối, nếu không kể lượng tiền này thì nội lực thực sự của Việt Nam thông qua chỉ tiêu để dành còn nhỏ nữa. Vì vậy, thay đổi mô hình tăng trưởng hiện nay thực sự là việc cần thiết.

* Tỷ lệ để dành trên vốn đầu tư, tiết kiệm trên GDP và vốn đầu tư trên GDP của Việt Nam 2006 - 2009:


Nguồn: Ước tính của tác giả qua số liệu của Tổng cục Thống kê

BÙI TRINH

Post a Comment

0 Comments