Thảm họa sóng thần, động đất xảy ra tại bờ biển đông bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011 đã gây ra hậu quả nặng nề mà cho đến thời điểm này mức độ thiệt hại vẫn chưa thể xác định cụ thể. Theo ước tính ban đầu, chí phí tái thiết lại cơ sở hạ tầng giao thông, nhà cửa, đường xa, nhà máy đã lên tới con số khổng lồ trên 200 tỷ USD. Ngoài những chi phí trực tiếp đó, thảm họa sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản.
Khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tiếp sau thảm họa kép sóng thần và động đất đang có những diễn biến phức tạp. Chính phủ Nhật đang nỗ lực để ngăn chặn những hậu quả khôn lường có thể xảy ra và sự thành công của những giải pháp khắc phục đang rất được kỳ vọng. Nếu giả định tình hình khủng hoảng hạt nhân được kiểm soát, có thể những giới hạn về tác hại đến nền kinh tế do thảm họa kép gây ra có thể sẽ được nhận biết. Thiên tai xảy ra sẽ làm gián đoạn sản xuất, tình hình tại Nhật Bản đang trải qua là sự gián đoạn về cung cấp điện năng, điều này đang ảnh hưởng đến cả những vùng không bị thiên tai tàn phá. Hãng sản xuất ô tô lớn nhất của Nhật, Toyota là một ví dụ, sản xuất ngừng trệ do không có nguồn cung cấp, thiếu linh kiện. Tập đoàn Sony cũng dừng hoạt động ở sáu nhà máy dù chỉ có một nhà máy nằm trong vùng bị ngập.
Tuy nhiên, sự gián đoạn không kéo dài. Ngày 16/3, Toyota thông báo đã tái khởi động việc sản xuất các phụ tùng thay thế. Thiên tai là nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế bị ghìm lại tạm thời nhưng khi đi vào tái sản xuất, tốc độ sẽ tăng trưởng nhanh hơn bình thường. Những nghiên cứu về ảnh hưởng của thiên tai đến kinh tế, cũng như kinh nghiệm của Nhật Bản sau trận động đất lịch sử trước đây tại Kobe năm 1995 càng củng cố thêm điều này. Người Nhật cho thấy những tác động của sóng thần đến kinh tế vĩ mô hầu như không phải là một thảm họa nghiêm trọng và ảnh hưởng quá lâu dài.
Về trung hạn, mức độ sụt giảm nền kinh tế gây ra bởi thiên tai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là về vị trí: thảm họa tấn công vào vùng công nghiệp sẽ làm ảnh hưởng lớn hơn so với việc xảy ra thảm họa tại những vùng sản xuất nhỏ hơn hay thứ yếu. Những tác động về kinh tế sẽ trở nên tồi tệ nếu sóng thần tấn công trực tiếp vào trung tâm công nghiệp của Nhật Bản. Thứ hai là về loại hình thiên tai, tác động lên sự tăng trưởng sẽ khác nhau tùy vào từng loại thiên tai. Về trung hạn, không phải tất cả các tác động đều là tiêu cực.
Thảm họa động đất xảy ra rất ngắn nhưng luôn có tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế. Động đất không chỉ làm dừng sản xuất trong chốc lát mà còn dẫn tới sự hủy hoại cơ sở hạ tầng, công sở, nhà máy, đường xá, điện nước. Điều này không trực tiếp ảnh hưởng đến GDP thông qua giá trị dòng hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế đó sản xuất ra. Nhưng nó ảnh hưởng đến năng lực của nền sản xuất tiềm năng. Sóng thần tại Nhật Bản dường như nằm ở loại hình này.
Trên lý thuyết, sản lượng có thể giảm. Nhưng trong thực tế, tác động tiêu cực này có thể được phần nào bù đắp nhờ việc sử dụng máy móc thiết bị tại những vùng không bị ảnh hưởng. Hầu hết các nhà máy đều không phải lúc nào cũng chạy hết công suất; sản lượng từ những nhà máy đang còn hoạt động có thế được gia tăng nhằm bù đắp lại những thiếu hụt sản xuất ở những nơi khác.
Phân tích của George Horwich tại Purdue University, đưa ra một số lý do để hi vọng điều này có thể xảy ra tại Nhật Bản. Trận động đất xảy ra vào năm 1995 đã tàn phá nhiều phương tiện thiết bị tại một trong sáu cảng container lớn nhất thế giới và chiếm 40% sản lượng công nghiệp của Kobe. Khoảng 100.000 công trình bị phá hủy hoàn toàn và nhiều thiệt hại khác; 300.000 người mất nhà cửa; trên 6000 người chết. Tuy vậy, bất chấp sự tàn phá tại trung tâm công nghiệp lớn này, nền kinh tế Kobe đã hồi phục một cách nhanh chóng. Dù chỉ có gần một nửa cơ sở vật chất đã được tái xây dựng trong giai đoạn một năm đầu tiên sau thảm họa, nhưng cùng thời gian đó khối lượng nhập khẩu qua Kobe đã hoàn toàn được khôi phục và xuất khẩu đã gần đạt mức khi chưa xảy ra thảm họa. Chưa cần mất tới 15 tháng sau trận động đất, vào tháng 3/1996, hoạt động sản xuất của Kobe đã đạt khoảng 98% mức dự kiến trước khi xảy ra động đất.
Horwich cho rằng nhiều khả năng nguyên nhân mang lại sự phục hồi kinh tế, thậm chí trong khi hạ tầng cơ sở vẫn trong tình trạng bị hủy hoại, chính là do những cách thức khác nhau trong việc sử dụng kết hợp giữa lao động và vốn. Dù thảm họa hủy hoại hầu hết các cơ sở vật chất, nhưng mọi thứ có thể được tái thiết nhanh chóng nhờ sử dụng hiệu quả và mạnh mẽ các nguồn lực hơn so với trước đây. Thêm vào đó, việc tái xây dựng trên cơ sở nền tảng sẵn có dễ dàng hơn việc xây dựng lại từ đầu bởi vì nó nhằm đến việc nhân rộng các loại hình đầu tư hơn là phải loay hoay tìm cách đầu tư như ban đầu.
Tái xây dựng dựa trên cơ sở sẵn có giúp cho bù đắp, khắc phục những tác động tiêu cực của việc sụt giảm sản lượng sau thảm họa phục hồi nhanh hơn. Điển hình là ngành xây dựng và sản xuất thiết bị sẽ có bước nhảy vọt và bùng nổ trong kinh doanh. Có thể thấy thời điểm Kobe động đất không phải là năm kinh tế Nhật Bản suy yếu, tăng trưởng năm 1995 tăng 1.9% so với 0.9% vào năm trước đó.
Do đó, có nhiều cơ sở để hi vọng rằng những sự cố kinh hoàng trong tháng 3 này sẽ không gây ra sự sụt giảm kéo dài của nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những mối lo. Đó chính là khủng hoảng hạt nhân. Sự tự tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp trở nên mong manh. Lãi suất hiện tại đã là 0%, những nhà hoạch định chính sách có quá ít lựa chọn. Khu vực sản xuất của Nhật Bản đã tiếp cận gần tới việc hoạt động hết công suất và khả năng có thể hơn so với thời điểm họ đã làm vào những năm giữa thập kỷ 1990, do đó việc bù đắp những tổn thất kinh tế càng khó hơn. Có thể thấy, bất luận thiên tai xảy ra như thế nào, chúng đều đem lại sự thiệt hại cho nền kinh tế ở một mức độ nhất định.
0 Comments