Khi chọn một khu vực (hoặc vùng) làm khu kinh tế, thông thường phải xác định lập khu kinh tế đó với mục đích vì lợi ích quốc gia. Như vậy, việc thành lập một khu kinh tế của một vùng nào đó phải nhằm mục đích lan toả ra các vùng khác, nhằm tạo độ nhạy để kích thích các vùng khác hoặc cả nước phát triển.
Tương tự như việc xác định ngành trọng điểm (những ngành có chỉ số lan toả đến nền kinh tế nội địa cao, lan toả đến nhập khẩu và sử dụng năng lượng thấp), về mặt kinh tế, để xác định có nên thành lập khu kinh tế hay không cần phải xem xét mức độ lan toả liên vùng hoặc mức độ ảnh hưởng ngược liên vùng (inter-regional feedback effect) của khu kinh tế đó ra sao. Và, ngành nào là ngành cần chọn làm ngành trọng điểm để đạt mục đích không chỉ mang tính liên ngành mà còn có độ lan toả liên vùng tốt.
Lý luận này cho rằng không phải vùng nào cũng có cùng một cấu trúc kinh tế và như vậy, không thể đưa ra chính sách chung cho tất cả các vùng và quốc gia. Từ trước đến nay, ở ta, đối với quốc gia cũng như vùng/tỉnh, các báo cáo hàng năm đều theo cùng một cấu trúc (cách) là tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản trong tổng GDP phải nhỏ dần, các nhóm ngành công nghiệp hoặc dịch vụ phải tăng dần và lấy đó như thước đo cho sự thành công; nếu sự thay đổi này chậm hoặc không thay đổi thì xem như một sự thất bại. Sự thay đổi của cơ cấu này có thể tốt ở tầm quốc gia nhưng cho từng vùng không thể rập khuôn như vậy. Cũng giống như ngành, có những vùng có tầm ảnh hưởng đến quốc gia nhiều hơn các vùng khác, hoặc một ngành của một vùng nào đó có ảnh hưởng mạnh không chỉ trong nội bộ vùng mà còn lan toả số nhân đến các vùng khác, nhiều hơn các ngành khác ở cùng vùng hoặc khác vùng.
Thông qua cuộc trao đổi chính sách trên VTV1 về khu kinh tế mở Chu Lai, ông Huỳnh Khánh Toàn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nơi có khu kinh tế mở, cho biết sẽ lấy công nghiệp cơ khí ôtô là trung tâm để phát triển khu kinh tế. Vậy, đâu là lý do chọn ngành này làm ngành trung tâm để phát triển khu kinh tế? Hay chỉ vì có doanh nghiệp loại này đăng ký dự án ở khu kinh tế Chu Lai?
Xét về mặt kinh tế, dựa trên cấu trúc chi phí của bảng cân đối liên ngành được công bố bởi tổng cục Thống kê, ngành chế tạo ôtô các loại và xe có động cơ rơmoóc các loại có chỉ số lan toả nội địa thấp nhất. Nếu coi 1 là chỉ số lan toả nội địa bình quân của cả nền kinh tế thì nhóm ngành này có chỉ số lan toả nội địa là 0,8. Và quan trọng hơn cả là chỉ số lan toả về nhập khẩu lại vào loại cao nhất trong các ngành của nền kinh tế. Nếu coi 1 là chỉ số lan toả về nhập khẩu bình quân của cả nền kinh tế, thì chỉ số lan toả về nhập khẩu của nhóm ngành công nghiệp cơ khí ôtô là 1,4.
Như vậy, nếu khu kinh tế mở Chu Lai lấy nhóm ngành trên là nhóm ngành trọng điểm, có thể làm tăng về giá trị tăng thêm của nội tại khu vực này, nhưng xét về mặt lợi ích quốc gia thì không kích thích và lan toả đến nội tại nền kinh tế. Quan trọng hơn cả là nó làm tăng nhập khẩu. Sản xuất của những ngành loại này càng phát triển thì càng kích thích nhập khẩu nhiều. Ngay như việc chọn những ngành công nghiệp phụ trợ như điện tử hoặc công nghiệp có kỹ thuật cao của địa phương này cũng cần phải có căn cứ, như những ngành này phụ trợ cho cái gì trong khi ngành trọng tâm lại là ngành công nghiệp ôtô!
Theo bảng cân đối liên ngành liên vùng, có thể thấy ở khu vực ven biển miền Trung, ngành vận tải biển (bao gồm cảng) và chế biến thuỷ hải sản có chỉ số lan toả nội địa cao, chỉ số kích thích nhập khẩu thấp và có độ lan toả liên vùng cao. Điều này có thể nhìn thấy một cách trực quan khi công nghiệp chế biến thuỷ hải sản phát triển, sẽ giúp các ngư dân của không chỉ trong vùng mà của cả một dải miền Trung tiêu thụ sản phẩm từ đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản.
BÙI TRINH
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 15 khu kinh tế ven biển (KKT) và bổ sung thêm ba KKT nữa vào Quy hoạch phát triển các KKT Việt Nam đến năm 2020, nâng tổng số KKT đến năm 2020 lên 18, với tổng diện tích đất liền và mặt nước biển là 730.553ha (tương đương 7.305,53km2), bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.
Các KKT hiện thu hút được khoảng 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỉ USD và khoảng 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 537.000 tỉ đồng. Một hội thảo về “Cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam” vừa được tổ chức cuối tháng 8.
Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, các KKT tuy có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nên hầu hết các KKT đều phát triển không được như kỳ vọng ban đầu. Bộ này sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát lại toàn bộ các KKT hiện có, chọn ra một số khu có điều kiện thuận lợi để có kế hoạch tập trung đầu tư nhằm tạo ra bước đột phá cho đất nước và sẽ giảm quy mô một số KKT không có lợi thế phát triển. Việc xây dựng các KKT phải dựa vào tiềm năng lợi thế đặc thù riêng của từng vùng và phải trên sự phát triển chung của quốc gia, khu vực. Việc phát triển các KKT không chỉ dựa vào các cơ chế, thể chế ưu đãi vượt trội của Nhà nước, mà phải dựa vào nội lực, tài trí, sự sáng tạo của địa phương.
nguồn SGTT
0 Comments