Something about me

header ads

Naoto Kan - Làn gió mới trên chính trường Nhật Bản

"Những người xuất thân từ các gia đình bình thường cũng có thể đóng góp những vai trò quan trọng trong nền chính trị, miễn là họ có đủ khả năng và sự nỗ lực cần thiết. Đó chính là điều mà một nền dân chủ thực sự nên có." - Tân thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan chia sẻ.

Trong một thế giới của các chính trị gia giỏi bao biện, chuyện một nhà hoạt động chính trị dám thừa nhận sai lầm, từ chức và bắt đầu lại từ đầu cả sự nghiệp có lẽ chỉ xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích.

Và với bất kì ai tin vào những điều thần kỳ của các câu chuyện cổ tích, có lẽ họ sẽ được toại nguyện bởi Naoto Kan, tân thủ tướng của Nhật Bản mới nhậm chức vào đầu tháng 6 vừa qua.

Năm 2004, khi còn đang giữ chức chủ tịch của đảng Dân Chủ đối lập, ông đã bị cáo buộc dính líu vào một vụ bê bối liên quan tới quỹ trợ cấp lương hưu. Để giữ gìn thanh danh, ông đã từ chức, cạo trọc đầu, khoác lên mình bộ áo của nhà Phật, và thực hiện cuộc "hành hương Shikoku", hành trình đến 88 ngôi đền trên đảo Shikoku để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Bộ Y Tế Nhật Bản sau đó đã lên tiếng xin lỗi ông, cho biết khoản tiền trả trợ cấp mà ông chưa trả xuất phát từ lỗi điều hành của hệ thống.

Kể từ sau biến cố này, hình ảnh của Naoto Kan ngày càng được kính trọng ở Nhật Bản, và ông trở thành một trong những chính trị gia được yêu mến nhất tại xứ sở mặt trời mọc. Ông liên tục được tín nhiệm bầu vào vị trí bộ trưởng Tài chính, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Tài chính, và cuối cùng là chức vụ thủ tướng, người chịu trách nhiệm chèo lái con thuyền Nhật Bản sau một đống tơ vò mà những người tiền nhiệm để lại.

Sự hiện diện của Kan trên "chiếc ghế nóng" đã mang lại rất nhiều hi vọng cho người dân Nhật Bản, chẳng khác nào một tia sáng hé lên phía cuối đường hầm sau hàng chục năm mệt mỏi vì sự trì trệ của nền kinh tế.

Quãng thời gian hơn hai mươi ngày ngắn ngủi tất nhiên không thể đánh giá được vai trò của Naoto Kan trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Tuy vậy, điểm tích cực không thể phủ nhận là việc ông đã phần nào lấy lại được niềm tin của người dân về triển vọng đất nước, nhiệm vụ mà theo ông là "ưu tiên hàng đầu" trong nhiệm kì của mình.
Tân thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Ảnh newshopper.sulekha.com

Theo điều tra mới đây của nhật báo Asahi Shimbun, tỉ lệ ủng hộ nội các mới của Naoto Kan lên tới hơn 60% so với con số 17% của chính phủ cũ Hatoyama.

Con đường gian nan của vị "chính khách bình dân"

Khác với những thủ tướng khác, Naoto Kan là một trong những chính khách hiếm hoi không xuất thân từ giới quý tộc chính trị, những dòng tộc có truyền thống lãnh đạo lâu đời ở Nhật Bản (thủ tướng vừa từ chức Yukio Hatoyama là cháu của cựu thủ tướng Nhật Ichiro Hatoyama). Ông sinh ra trong một gia đình có thành phần "cơ bản", có bố làm trong một công ty sản xuất kính ở Ube, thành phố công nghiệp ở phía nam nước Nhật.

Tốt nghiệp Đại Học Kĩ Thuật Tokyo chuyên ngành vật lý ứng dụng. Nhưng Kan lại tỏ rõ niềm đam mê và sự quyết tâm của mình với sự nghiệp chính trị-xã hội. Ông thất bại trong ba lần bầu cử vào hạ viện và thượng viện Nhật Bản liên tiếp từ năm 1976 đến năm 1979, và phải đến lần thứ tư, vào năm 1980, ông mới trúng cử vào hạ viện Nhật Bản với tư cách là thành viên của Liên đoàn Dân chủ Xã hội.

Nổi tiếng với tính cách trung thực, thẳng thắn, Naoto Kan bắt đầu được công chúng để ý đến vào năm 1996, khi ông với vai trò là Bộ Trưởng Y Tế Nhật Bản, đã đứng ra thay mặt chính phủ nhận lỗi về sự kiện lan truyền máu nhiễm HIV. Vào thời điểm đó, đây có thể coi là một hành động chưa có tiền lệ trong chính giới Nhật Bản, được truyền thông cũng như công luận đặc biệt hoan nghênh.

Với uy tín ngày càng tăng, Naoto Kan đã được chọn làm ứng cử viên của đảng Dân Chủ Nhật Bản (DPJ) đối lập trong cuộc tranh cử năm 2003 với đảng Dân chủ Tự Do (LDP). Tuy nhiên, đối đầu với một "ngôi sao đang lên" Junichiro Koizumi, và ở bên phía đảng đối lập yếu thế hơn, Naoto Kan đã phải chấp nhận thất bại.

Với một cá tính mạnh mẽ và ngọn lửa đam mê luôn hừng hực cháy, thất bại không hề làm cho ông nao núng. Chỉ một năm sau khi được minh oan về vụ bê bối tiền trợ cấp lương hưu, Naoto Kan đã trở lại chính trường với việc bất ngờ tuyên bố ý định thành lập đảng "Dankai" với mục tiêu hướng tới việc giải quyết chỗ ăn ở, sinh hoạt cho khoảng 2,7 triệu người Nhật Bản được sinh ra vào giai đoạn sau chiến tranh (baby boomer), và bây giờ đã bắt đầu bước vào độ tuổi nghỉ hưu.

Tuy vậy, sự nghiệp chính trị của ông chỉ thực sự bước sang chương mới khi DPJ giành thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử hạ viện Nhật Bản vào năm ngoái, đưa chủ tịch đảng DPJ Hatoyama lên giữ chức thủ tướng. Ông được bổ nhiệm là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính, đồng thời giữ một số chức vụ quan trọng khác trong nội các của chính phủ mới.

Sau hơn 8 tháng nắm quyền, chính quyền Hatoyama đã không đáp ứng được kì vọng của dân chúng về cả vấn đề phục hồi kinh tế lẫn việc di dời căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa. Vụ scandal tiền quỹ bầu cử năm 2003 như một giọt nước tràn ly, khiến cho thủ tướng Hatoyama và cả tổng thư kí DPJ, người được tờ The Economist gọi là "tướng quân" (shogun) của hệ thống chính trị Nhật Bản, phải từ chức.

Tất cả mọi con mắt đều đổ dồn vào Naoto Kan, người duy nhất của DPJ còn khả dĩ xoay chuyển tình hình, vực dậy niềm tin của cử tri trước thềm cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 tới. Ông được coi là hi vọng cuối cùng của cho sự thay đổi của cả nền kinh tế và chính trị Nhật Bản sau một thời gian quá dài trì trệ trong bóng tối.

Ngọn gió đổi mới

Người Nhật vẫn chưa mất hết niềm tin vào DPJ như là một ngọn gió đổi mới sau hơn 50 năm cầm quyền của LDP, có chăng sự ra đi của ông Hatoyama và Ozawa chỉ chứng tỏ rằng họ vẫn chưa thực sự làm được những "đổi mới" cả về kinh tế lẫn chính trị như đã hứa hẹn .

Naoto Kan chắc chắn sẽ không gặp phải những vấn đề đó. Xuất thân từ tầng lớp bình dân, bắt đầu sự nghiệp chính trị ở một đảng trung tả nhỏ, và đã hiến dâng nhưng năm tháng tuổi trẻ cho các phong trào dân quyền, ông luôn kêu gọi xây dựng một chính quyền dân chủ và minh bạch. Thêm vào đó, không thể phủ nhận rằng việc ông được tiếp xúc nhiều với nhiều tầng lớp dân chúng và trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế một thời gian (ông đã từng mở một văn phòng riêng về sở hữu trí tuệ), sẽ giúp Naoto Kan đưa ra được những giải pháp mang tính thực tế hơn cho nền kinh tế Nhật Bản. Những biện pháp cứng rắn hơn của ông, như đề xuất tăng thuế tiêu dùng, cũng sẽ gặp ít phản ứng hơn là các lãnh đạo khác.

Những ngày đầu tiên giữ chức vụ chủ tịch DPJ và thủ tướng Nhật Bản, ông đã cho thấy những cam kết của mình không phải là những lời nói suông, bắt đầu từ những bổ nhiệm đầu tiên trong nội các của mình. Thư kí nội các mới, Yshito Sengoku, người phụ trách chính về các chính sách của chính phủ, đặc biệt là chính sách về nợ công và tình trạng giảm phát; và tổng thư kí của DPJ Yukio Edano, đều là những cá nhân tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới hệ thống kinh tế-chính trị Nhật Bản.

Tuy vậy, có một điều đáng lưu ý là cả hai chính trị gia nói trên đều không được lòng cựu tổng thư kí DPJ Ichiro Ozawa, người dù đã mất chức nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn trong nội bộ đảng cầm quyền. Việc không tín nhiệm Ozawa và những nhân vật thân thiết với ông sẽ khiến Naoto Kan bị cô lập nhiều hơn, và ông sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng DPJ, người đương nhiên nắm cương vị thủ tướng, trong tháng 9 tới.

Khó khăn vẫn đang chồng chất trước mặt của vị thủ tướng bình dân này, tuy vậy, lòng quyết tâm thay đổi toàn diện nước Nhật của ông đã thực sự mang lại một sức sống mới cho một đất nước đã quá già nua và thiếu sáng tạo. Người dân Nhật rất hứng khởi với vị lãnh đao mới; khẩu hiệu "Yes we Kan", hàm chứa sự tôn vinh tính cải cách của chính phủ của Naoto Kan, được đưa ra khắp mọi ngóc ngách của đất nước. Nó gợi nhớ đến nước Mỹ với Barack Obama vào năm 2008; nhưng với kinh nghiệm của một chiến binh dày dặn trên chính trường Nhật Bản, người ta tin rằng Naoto Kan sẽ làm được nhiều điều hơn vị lãnh đạo của nước Mỹ.

nguồn tuanvietnam

Post a Comment

1 Comments

  1. Hatoyama cũng được đấy chứ. Chẳng qua là chú ấy hứa to quá thôi. Chứ Kan lên được cũng phải nhờ đến Hatoyama. Kan lên nhưng có dám hứa về vụ Okinawa đâu. Hứa là teo liền, chú ấy khôn nên lần này đích hứa gì cả.

    Còn việc chú Kan cạo trọc đầu, dính dáng đến mấy vụ HIV thì đúng là rất nặng đấy, chứ chẳng phải đùa đâu.

    Ở Nhật hay Mỹ, system nó drive people chứ People không drive được system mấy đâu. Gọi là thúc đẩy cho system nó trơn chu hơn thôi. Obama hay Bush lên đều phải theo 1 guồng máy, 1 hệ thống pháp luật. Những quốc sách đưa ra đều cần có sự thông qua của nhiều bên. Cái gọi là Game Theory nó áp dụng khá tốt trong cái hệ thống đó.

    Nhật khác Mỹ nhiều. Dân Nhật văn minh hơn dân Mỹ. Nếu so tỉ lệ nghèo và mù chữ thì đảm bảo Mỹ hơn Nhật nhiều. Dân Nhật đồng đều về giáo dục hơn Mỹ, ít có dân ngu như xứ Lừa. Nên nó cho Thủ Tướng nghỉ hưu non khác nào chuyện bổ nhiệm giám đốc công ty.

    Mỹ mà làm thế thì toi liền!

    Cái đó gọi là ổn định chính trị ở Nhật đấy.

    Có môn học Management of Change. Đúc rút ra là

    What is the most permanent thing one earth??? It is the "CHANGE".

    ReplyDelete