Something about me

header ads

Thế nào là từ thiện

Gần đây đọc báo, trên vietnamnet và cando có đăng bài " Cô bé 9 tuổi gần như phi thường nhất Việt Nam" [1] hay "Cô bé 12 tuổi nuôi cả gia đình 7 miệng ăn" [2]. Một nhóm các nhà hảo tâm đã đến tận nơi để trao quà nhưng sự thực lại không phải như các báo đăng! [3] "Có đứa thối mồm" bẩu tác giả bài viết có quan hệ họ hàng với gia đình cô bé!

Còn nhớ cách đây vài tháng có vụ rùm beng trên báo Dantri [4] "Bé 5 tuổi chăm mẹ ung thư", bạn đọc gửi tiền ủng hộ đến ngót tỷ đồng! Được một thời gian mẹ em bé qua đời, chồng cô xuất hiện trở lại! Nguyên nhân không rõ, nhưng theo như Huy bầu [5] "Có thằng thối mốm bảo, ấy là vì ảnh đọc báo thấy có tiền thì về".

"Làm từ thiện, nếu đúng theo nghĩa của nó, là việc nên làm mọi nơi, mọi lúc. Làm từ thiện, nếu đúng theo nghĩa của nó, phải được phát xuất từ động cơ duy nhất, vô điều kiện và không vị lợi là lòng thương người......Sự giúp đỡ từ thiện là có hại, trừ khi nó làm cho người nhận trở nên không cần tới nó nữa" [5].

Chia sẻ một câu chuyện ý nghĩa về hoạt động từ thiện của ACE Kyoto Group cách đây 1 năm, một câu chuyện cảm động về các em bé mắc bệnh hiểm nghèo tại Viện K.

" Con đường gồ ghề đầy cát bụi trong tiết trời nồm sau Tết đưa tôi đến cái nơi gọi là tột cùng của khổ đau. Nơi mùa xuân không về và là nơi những người mẹ trẻ khóc con thơ. Khoa Nhi, bệnh viện K Trung Ương ngột ngạt bởi những người là người, nơi đây hiện diện những bóng áo trắng của những cô ý tá cần mẫn, dịu dàng; những khuôn mặt cháy nắng, những tấm thân gày gò của những cặp vợ chồng trẻ. Họ đa số là những người nông dân nghèo ở vùng nông thôn, họ vốn cực khổ với công việc đồng áng ngày thường, nay lại thêm khắc khổ bởi những đứa trẻ quặn đau vì bạo bệnh.


Những đứa trẻ nơi đây đa số đang trong giai đoạn điều trị hoá chất, những cái đầu trọc với những khuôn mặt còn thơ ngây nằm chung 2 cháu 1 giường bệnh, nhìn sao thấy não lòng. Có những em bé mới chỉ 2-3 tuổi với khuôn mặt còn non nớt chưa kịp cảm nhận những gì đang diễn ra quanh chúng, chưa cảm nhận được nỗi lo lắng đang ám ảnh cha mẹ chúng từng ngày, từng giờ. Chúng nằm ngủ với đủ dây nhợ, ống dẫn, bình thuỷ quanh mình.


Những đứa trẻ lớn hơn dường như hiểu được điều gì đang diễn ra quanh chúng, ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm nơi vô định. Tất cả đang chờ đợi một điều kỳ diệu sẽ diễn ra; Sự sống sẽ quay về. Tất cả bệnh nhân nơi đây đều là trẻ nhỏ, nhưng buổi chiều tôi đến tuyệt nhiên không có tiếng khóc nào cất lên. Dường như các em bé đã kiệt sức vì những đợt điều trị hoá chất, đã quá quen với nỗi đau thân xác hằng ngày hành hạ các em và những đứa trẻ lớn hơn dường như cảm thông được nỗi lo và sự dày vò của cha mẹ chúng, nên các em đã không khóc. Sự cảm thông là những gì tôi nhìn thấy nơi đây.


Nguyễn Diệp Anh Thi, 2,5 tuổi, U màng phổi

images1670299_1 by you.
Bé Thi và Mẹ Trinh hai tháng trước đây


Hoàn cảnh của em và gia đình cũng chính là động lực thôi thúc tôi phải về bệnh viện K chiều hôm đó. Gặp em, khi em đang nằm ngủ với đống dây nhợ trên mình. Tôi không tiện đánh thức em, định chụp hình với mong muốn chia sẻ với độc giả về tình trạng của em nhưng rồi khi đưa ống kính máy lên, ngay lập tức tôi đã đưa xuống mà không thể bấm máy. Có điều gì đó cản ngăn tôi ghi lại khoảnh khắc đó. Một khoảnh khắc của khổ đau, một sự bình yên hiếm có, hay là cái gì đó mà tôi không biết định nghĩa nó thế nào nhưng chỉ biết đó là khoảnh khắc mà bất cứ lương tâm của người cầm máy nào cũng phải tôn trọng chủ thể. Nhìn Thi đã khác hơn trước đó 2 tháng nhiều lắm, mái tóc dài đen nhánh đã rụng gần hết và chỉ còn lại vài sợi lơ thơ. Khuôn mặt em nhợt nhạt với đôi mắt nhắm nghiền. Mẹ của em, chị… người phụ nữ trẻ với khuôn mặt khắc khổ đang ngồi cạnh em tậm sự: Dịp này Thi ít nói lắm, và cũng không khóc, không uốn mẹ. Những lúc tỉnh táo, em luôn đưa mắt nhìn xa xăm, nhìn các bạn cùng phòng chung cảnh ngộ.


Nguyễn Hoàng Thư, 4 tuổi, Bạch cầu tuỷ sống

thu 3 by you.
Bé Thư đang từng ngày chống chọi với những cơn đau


Cậu bé có khuôn mặt thật hiền và buồn chỉ nhìn tôi đăm chiêu mà không nói lời nào. Em bị bệnh Bạch cầu tuỷ cấp và đã phải gắn bó với khoa Nhi bệnh viện K 3 tháng nay. Gia đình phát hiện em bị bệnh từ tháng 9 năm 2008 với biểu hiện biếng ăn, da xanh, mắt lồi. Từ khi em phải vào viện, bố mẹ em đã phải cắt cử nhau chăm sóc em. Cha mẹ của Thư đều làm nghề nông ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Tài sản gia đình vốn đã không có gì nay lại thêm xác xơ khi em gặp bạo bệnh. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, người mẹ trẻ nước mắt lưng tròng ngẹn ngào cho tôi hay: Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào ruộng vườn và chăn nuôi. Nhà chỉ có 2 lao động chính nuôi 6 miệng ăn, cái đói cái nghèo đeo đẳng gia đình chị khiến những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi. Trước khi Thư bị bệnh, em chưa bao giờ được bố mẹ đưa đi chơi công viên, em muốn có đồ chơi siêu nhân giống những đứa trẻ cùng trang lứa nhưng chưa khi nào được bố mẹ mua cho; em thích ăn trứng vịt lộn nhưng khi em khoẻ lại chẳng được ăn vì nhà nghèo quá. Giờ mua trứng cho em nhưng em lại chẳng thể ăn được nữa… những giọt nước mắt chảy dài trên đôi má xạm đen của người mẹ trẻ. Giọng chị ngẹn ngào bên đứa con thơ.


Hồ Thị Hà, 3 tuổi, U hạ vị


Hà là một trong số ít các em bé ở đây chưa bị rụng tóc do em mới được điều trị hoá chất chưa lâu. Em nhập Viện hôm 25 Tết và đã phải đón năm mới nơi đây cùng với bố mẹ của mình. Mới 3 tuổi, em đã phải chịu đựng nỗi đau đớn khi phẫu thuật vùng bụng, gặp em khi vết mổ vẫn chưa lành nên bụng còn sưng to, em không thể cựa mình mà chỉ có thể nằm ngửa. Bố của em, anh Hồ Văn Hùng, một diêm dân làm muối ở huyện Diễn Châu, Nghệ An kể: Khi mới vào viện em hay khóc khi gặp người lạ và y tá, nhưng bây giờ Hà không khóc nữa, em rất ngoan ngoãn khi các cô y tá thay bông băng hay tiêm thuốc. Ban đầu em biếng ăn và không chịu cho các cô y tá tiêm thuốc nhưng bây giờ em đã ngoan ngoãn nghe lời. Vì bố em bảo, Hà phải ngoan cho các cô tiêm thuốc để mau được về nhà. Hy vọng đang được thắp lên trong ánh mắt thơ ngây của em.


Trên đây chỉ là ba trường hợp trong rất nhiều hoàn cảnh éo le tôi gặp ở nơi được gọi là tận cùng của bất hạnh. Có lẽ sẽ là một câu hỏi thừa nếu chúng ta hỏi các em bây giờ muốn gì? bố mẹ các em bây giờ ước điều gì. Phải, mong ước sự sống quay về, các em chóng khỏi bệnh để có thể đến trường chạy nhảy như bao em bé khác. Dù có phải tốn kém hay hy sinh bất cứ cái gì miễn là đổi lại được sức khoẻ cho các em thì các bậc phụ huynh nơi đây cũng sẵn sang đánh đổi. Nơi đây, hàng ngày hàng giờ những tia hy vọng vấn đang được thắp lên.


Đến bệnh viện để với mong muốn chia sẻ lòng mình với những em bé bị bạo bệnh và gia đình của các em, tôi cứ nghĩ rồi lòng mình sẽ nhẹ nhàng hơn khi mình làm được một việc tốt. nhưng rồi những ánh mắt trẻ thơ, những hoàn cảnh éo le và những giọt nước mắt nghẹn ngào của những cặp vợ chồng trẻ cứ ám ảnh tôi mãi một chặng đường về. Giờ đây, chính tôi lại cần sự chia sẻ của mọi người. Mọi người hãy chia sẻ với tôi, hãy giúp các em và gia đình các em trong lúc hoạn nạn khó khăn này. Xin chân thành cảm ơn." [6]


Hoạt động đầy ý nghĩa đó đã mang lại niềm vui cho gia đình các em và cũng như một món quà dành cho các nhà hảo tâm[7].


-----------

Links:


[1] Cô bé 9 tuổi gần như phi thường nhất Việt Nam"

[2] Cô bé 12 tuổi nuôi cả gia đình 7 miệng ăn

[3] Sự thật?

[4] Bé 5 tuổi chăm mẹ ung thư

[5] Sự giúp đỡ từ thiện là có hại...

[6] Những chuyến đi của Huy bèo

[7] Hành trình kỳ diệu cứu con khỏi bệnh ung thư bé Hồ Thị Hà trên VnEx là một trong 3 bé được nói ở trong bài viết này


Post a Comment

2 Comments

  1. Hồi ấy vô nhà bèo, bèo cho xem nhiều ảnh nóng khi đi làm từ thiện. Hắn chơi bời vậy mà làm nhiều việc có ý nghĩa phết. Giờ lấy vợ rùi, chắc sắp đi ở ẩn. he he.

    ReplyDelete
  2. Yeah! Em post cái này để mừng đám cưới hắn! Bèo thế mà hay bro nhỉ?

    ReplyDelete